Kinh tếMôi trường rừng

Nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu quả chính sách DVMTR

15:21 - Thứ Năm, 15/06/2023 Lượt xem: 3536 In bài viết

ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; giữ diện tích rừng được ổn định và ngày càng phát triển. Thế nhưng, để chính sách này phát huy hiệu quả là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân người thực thi chính sách. Có như vậy, chính sách chi trả DVMTR mới được triển khai đúng, đủ, kịp thời, phát huy được mục đích, ý nghĩa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Một trong những việc làm không thể bỏ qua trong thực thi chính sách chi trả DVMTR là tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng và các đơn vị sử dụng dịch vụ. Nhờ làm tốt công tác tuyên tuyền mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi chính sách đều có sự chủ động trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Là một trong những đơn vị sử dụng DVMTR phục vụ cho sản xuất điện, Nhà máy Thủy điện Thác Trắng (TP. Điện Biên Phủ) luôn thực hiện nghiêm túc những quy định của chính sách chi trả DVMTR. Dựa trên sản lượng điện của nhà máy sản xuất được hằng năm, đơn vị đã chủ động đóng đầy đủ tiền chi trả DVMTR cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo đúng mức quy định của chính sách. Ông Đoàn Văn Công, Trưởng ban Nghiệp vụ, Nhà máy Thủy điện Thác Trắng cho biết: Hằng năm, nhà máy cũng duy trì sản xuất điện nhờ nguồn cung cấp nước từ môi trường rừng. Khi Nhà nước có quy định về việc chi trả theo chính sách, đơn vị cũng dựa trên tổng sản lượng điện có được và đối chiếu với định mức đóng theo quy định của chính sách ở mức 36 đồng/KWh để lập biểu tính tổng và đóng theo định kỳ. Và chưa năm nào chúng tôi đóng chậm, muộn hay thiếu so với quy định.

Khi các đơn vị sử dụng DVMTR đã đóng tiền theo định kỳ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (đơn vị chi trả) tiếp tục quản lý quỹ và chi trả tiền DVMTR cho các đối tượng thụ hưởng. Để đảm bảo được điều đó cần phải xác định chính xác diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả, không để người dân phải chịu thiệt thòi. Ông Lò Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) cho biết: “Để xác minh đúng diện tích rừng chi trả tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp chặt chẽ với các Hạt Kiểm lâm và chính quyền xã cũng như các chủ rừng để nắm bắt các diện tích rừng có biến động hằng năm và tiến hành đo đạc, xác minh. Sau đó tổng hợp, thống nhất và lập biểu chi trả theo đúng thực tế. Nhờ vậy mà việc chi trả tiền DVMTR luôn đảm bảo chính xác; từ đó bà con càng thêm tin tưởng vào những cán bộ làm chính sách này và cũng ý thức hơn trong việc giữ rừng ở địa bàn nữa…”.

Những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là đơn vị đầu mối giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức các hoạt động, nhiệm vụ liên quan đến việc chi trả tiền DVMTR. Đồng thời, đại diện cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng để tiếp nhận ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm theo định kỳ. Trên cơ sở số tiền được tiếp nhận hằng năm từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, Quỹ chủ động thực hiện đồng thời nhiều việc làm để có thể tiến hành chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Đơn cử như  từ 01/01 đến ngày 15/6/2023, Quỹ đã thu hơn 49 tỷ đồng của các đơn vị sử dụng dịch vụ; đồng thời đã chi trên 96 tỷ đồng tiền DVMTR cho các chủ rừng. Để nâng cao sự hài lòng trong công tác chi trả DVMTR và thực hiện chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, Quỹ tiếp tục phối hợp với các Ngân hàng đôn đốc, hỗ trợ mở thêm 214 tài khoản cho chủ rừng, nâng tổng số chủ rừng đã mở tài khoản là 3.553/4.890 chủ rừng.

Ông Phan Anh Sơn, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Hằng năm quỹ trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh thì phối hợp với kiểm lâm và các xã, chúng tôi xác định diện tích đúng, sau đó trên cơ sở tổng số tiền tiếp nhận, chia đơn giá trên tổng diện tích thu được và thông báo cho các chủ rừng là năm đó được hưởng bao nhiêu. Hai là điều tiết tiền từ lưu vực sông Đà với các diện tích chưa có đối tượng chi sang lưu vực sông Mã và nội tỉnh để nâng mức hưởng cho chủ rừng. Hiện nay việc chi trả đã cơ bản được thực hiện bằng việc chuyển tiền qua tài khoản trên cơ sở Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh liên kết với Ngân hàng Chính sách để thực hiện nhằm đảm bảo nhanh, chính xác, tiện lợi, an toàn và minh bạch.

Cùng với việc đảm bảo chi trả tiền DVMTR được đúng, đủ, kịp thời và minh bạch, những người thực thi chính sách còn phải thực hiện sao cho nguồn quỹ sau chi trả được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả thực sự trong thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ rừng. Để thực hiện được điều đó lại đòi hỏi sự chủ động của các chủ rừng và sự vào cuộc của chính quyền địa phương để theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các chủ rừng trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR. Có như vậy, chính sách Chi trả DVMTR mới phát huy được hiệu quả, tạo động lực lớn để người dân tích cực giữ rừng và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top